Tin Tức Cập Nhật
Monday, December 13, 2010
Tại sao Nga cần ASEAN và ASEAN cần Nga?
Hai bên có tiềm năng lớn về hợp tác kinh tế, năng lượng, quân sự và quan trọng hơn, cả hai đều muốn cộng tác với nhau.
Hai bên có tiềm năng lớn về hợp tác kinh tế, năng lượng, quân sự và quan trọng hơn, cả hai đều muốn cộng tác với nhau.
Đối với thế kỷ XXI, 5 năm là một khoảng thời gian không nhỏ. Đã nảy sinh những thực tế, thách thức và đe dọa mới trên thế giới cũng như tại khu vực, trong nửa thập niên trôi qua từ Hội nghị thượng đỉnh Nga - ASEAN đầu tiên ở Kuala Lumpur.
Mối quan hệ chính trị giữa Nga và Hiệp hội được nâng lên cấp độ mới, mở thêm cơ hội cho sự đi sâu hợp tác kinh tế thương mại của chúng ta.
Vì vậy, Hội nghị cấp cao lần thứ 2 của Nga - ASEAN với sự tham gia của Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, dự kiến diễn ra vào ngày mai tại Hà Nội, có ý nghĩa đặc biệt đối với cả Hiệp hội cũng như Nga.
Học giả Anatoly Voronin, thành viên Hội đồng chuyên viên thuộc Hội đồng liên bang Nga nhận xét: “Các nước của Hiệp hội là một thị trường phong phú và năng động. Tổng trị giá sản phẩm của họ vượt quá nửa nghìn tỷ USD.
Các quốc gia ASEAN đứng ở ngã tư động mạch giao thông thế giới. Ví dụ, một phần ba khối lượng lưu thông thương mại thế giới đi qua eo biển Malacca. Một nửa trữ lượng tiêu thụ dầu mỏ thế giới được vận chuyển thông qua eo biển Malacca và Singapore. Rõ ràng rằng, cùng với sự đẩy mạnh các quá trình toàn cầu hóa về kinh tế, ý nghĩa của khu vực sẽ chỉ tăng lên. Đây là yếu tố dĩ nhiên kể cả đối với Nga, một cường quốc hàng hải thế giới”.
Tuy vậy, trong quan hệ kinh tế thương mại, giữa Nga và ASEAN vẫn còn phổ biến quan điểm và những cách tiếp cận cũ, mang đặc thù giai đoạn cuối thế kỷ trước. Buôn bán thương mại giữa các quốc gia ASEAN và Nga chiếm dưới 0,5% tổng kim ngạch ngoại thương của Hiệp hội. Trong năm 2009, trị giá các hợp đồng qua lại giữa đôi bên không vượt quá 7 tỷ USD.
Trong khi đó, theo các chuyên gia Nga, trao đổi kinh tế giữa Nga và các nước ASEAN tới năm 2020 hoàn toàn có thể tăng tới 40-50 tỷ USD. Trong những năm gần đây, Nga và ASEAN xây dựng một hệ thống phát triển các quan hệ đối tác đối thoại. Một yếu tố không kém phần quan trọng và thuận lợi cho hoạt động của Nga tại Đông Nam Á là đối tác chiến lược với Việt Nam. Chính Việt Nam đảm nhận và đang thực hiện tốt vai trò “cầu nối” giữa Nga và ASEAN.
Tuy nhiên, việc thực hiện những dự án kinh tế nào có thể đem lại một chất lượng mới cho sự hợp tác kinh doanh của Nga và các nước Đông Nam Á? Ông Anatoly Voronin tiếp tục bày tỏ: “Ở đây, điều quan trọng là không chỉ tính đến những khả năng của chúng ta mà cả nhu cầu của đối tác. Xét từ quan điểm này, tình hình diễn ra trong khu vực rất thuận lợi cho Nga. Hầu hết các nước Đông Nam Á đang trong giai đoạn công nghiệp hoá, đô thị hóa, điện khí hóa. Tất cả các quá trình này đều được biết rõ ở Nga, với một cơ sở vật chất kỹ thuật vững chắc được gây dựng khi thực hiện”.
Đặc biệt yếu tố nên bàn tới là năng lượng. Các nước ASEAN là những nhà nhập siêu dầu mỏ và khí đốt. Sự phụ thuộc rất lớn của các quốc gia này vào tình trạng thị trường năng lượng toàn cầu, sẽ không ngừng tăng cùng với tính tăng trưởng kinh tế. Ngày càng trở nên cấp bách nhu cầu của ASEAN về đa dạng hóa thị trường năng lượng nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc vào khu vực Trung Đông, hiện có tình hình chính trị bất ổn định. Vì vậy mà trong việc giải quyết vấn đề này, ASEAN đang ngày càng hướng sự chú ý của mình về phía Nga.
Nhưng, rõ ràng là không thể chỉ đề cập tới các hợp đồng cung cấp dầu và khí đốt cho khu vực. Sự hợp tác về năng lượng với ASEAN còn rất triển vọng trên nhiều phương diện khác.
Ví dụ như, hỗ trợ xây dựng các nhà máy điện hạt nhân, thi công dòng thác thủy điện lưu vực sông Mekong, tạo dựng các đường dây tải điện và ống dẫn.
Học giả Voronin tiếp tục nói: “Trong mặt này, sự hợp tác của Nga và Việt Nam mang tính tiêu biểu, tự tin chứng minh hiệu quả kinh tế cao đối với cả hai bên. Nhờ có sự hợp tác với Nga, Việt Nam hiện sở hữu một tổ hợp nhiên liệu - năng lượng hiện đại, là nguồn đóng góp lớn cho ngân sách. Chỉ riêng Liên doanh Vietsovpetro trong thời gian hoạt động tại Việt Nam khai thác gần 200 triệu tấn dầu, thúc đẩy Việt Nam hòa nhập vị trí các nước hàng đầu trong khu vực về sản xuất dầu mỏ. Phía Nga cũng không hề chịu sự thiệt thòi. Ngân sách Nga nhận được khoảng 8 tỷ dollar từ hoạt động liên doanh này. Và gần đây, Nga là đối tác được Việt Nam chọn lựa để xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước Cộng hòa.
Đông Nam Á cũng là một khu vực hợp tác từ lâu với Nga trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự. Ngay từ giai đoạn đấu tranh vũ trang vì độc lập dân tộc, nhiều quốc gia trong khu vực là đối tác tiếp nhận vũ khí Liên Xô, như Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia ...
Ông Anatoly Voronin nói: “Hôm nay, Nga tiếp tục sắp đặt sự hợp tác quân sự với Malaysia, Myanmar, Thái Lan và cả Singapore. Nỗ lực duy trì chính sách đối ngoại tự chủ, các nước ASEAN đang mua của Nga thiết bị hàng không, các phương tiện phòng không, quân trang phục vụ lực lượng bộ binh và hải quân. Hiệp hội là một trong những thị trường hứa hẹn nhất đối với các sản phẩm quốc phòng của Nga”.
Các ngành khoa học Nga cũng chiếm uy tín xứng đáng trong khu vực. Ví dụ, Trung tâm hợp tác Nhiệt đới hoạt động thành công ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ. Tập thể nghiên cứu đóng góp rất lớn vào việc giải quyết một số vấn đề ứng dụng, liên quan tới xuất khẩu thiết bị quân sự Nga đến các nước nhiệt đới, chế tạo các công nghệ sinh học mới.
Có thể đồng ý rằng, chỉ riêng những lĩnh vực có khả năng và cần thiết được nêu trong sự hợp tác cùng có lợi giữa Nga và ASEAN, nói lên tính thiết thực của hội nghị thượng đỉnh Nga - ASEAN sắp tới đối với cả hai bên.
Theo: Báo Đất Việt/Ruvr
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment