Tin Tức Cập Nhật

Sunday, October 10, 2010

Biển Đông của 15 năm sau




Trung Quốc thực sự cần một ý thức hệ mới, cởi mở hơn cho nền ngoại giao, để làm thế nào dành được ưu thế về đạo nghĩa trong bối cảnh phải đồng thời một lúc đối phó với mấy đối thủ, làm thế nào để phục vụ cho lợi ích của mình được tốt hơn. Bàn về vấn đề này, trên tờ Liên hợp buổi sáng số ra ngày 26/8 của Singapore đăng bài của Tiết Dũng, Phó Giáo sư Khoa Sử trường Đại học Suffolk Boston Mỹ nói về tương lai của Biển Đông sau 15 năm nữa và phân tích về ý thức hệ của nền ngoại giao hiện đại của Trung Quốc với tiêu đề “Biển Đông của 15 năm sau”. Nội dung như sau.







Gần đây, hai bên Trung - Mỹ luôn miệng gươm lưỡi súng, sặc mùi bom đạn quanh vấn đề Biển Đông, nhưng xem ra đây là một cuộc cạnh tranh “sức mạnh mềm” theo kiểu “võ mồm chứ không võ lực”. Obama thừa kế từ TTh Bush 2 cuộc chiến Afghanistan, Iraq và cuộc “đại suy thoái” mang tính toàn cầu. Một nền kinh tế không có gì là khởi sắc, thâm hụt liên bang tăng cao, quốc lực giảm sút. Chính quyền Obama với phương châm ngoại giao là “sức mạnh mềm” đương nhiên sẽ không lựa chọn thời khắc này để sinh sự, sinh thù. Thế nhưng, Mỹ bắt buộc phải suy tính cho tương lai, phải dàn xếp thế nào để tiếp tục thống trị thế giới sau khi có lại thực lực. Có lẽ đây chính là nguyên nhân Mỹ luôn phải đánh tiếng về vấn đề Biển Đông.



Muốn tìm hiểu ý nghĩa của Biển Đông đối với Mỹ, chúng ta phải mở rộng tầm nhìn cho 15 năm sau. Năm 2025, Biển Đông rất có khả năng sẽ thành trung tâm ngành chế tạo của thế giới hoặc “ao nhà” của “Công xưởng của thế giới”. “Công xưởng của thế giới” ở đây hoàn toàn không có ý ám chỉ Trung Quốc. Khi đó, dân số Indonesia sẽ khoảng 270 triệu người, dân số Việt Nam và Philippines đều khoảng trên 100 triệu. Đi sang phía Tây một chút, dân số Ấn Độ sẽ là khoảng 1 tỷ 350 triệu người, Bangladesh khoảng 210 triệu người, hơn nữa dân số các nước này có độ tuổi trung bình trẻ. Trung Quốc hiện nay tuy vẫn là “công xưởng của thế giới” nếu vẫn xét từ góc độ tài nguyên con người. Nhưng từ tình hình lao động của năm 2010 có thể thấy rất khó xoay chuyển xu thế cung ứng sức lao động giảm, giá thành lên cao. Sau 15 năm, “nguồn lợi con người” sẽ mất đi và sẽ càng khó khăn hơn để giữ vững vị trí như hiện nay. Do vậy, “sự lựa chọn ngoài Trung Quốc” đã trở thành chủ đề năm 2010 của ngành chế tạo. Trên thực tế, ngành chế tạo đã bắt đầu chuyển từ Trung Quốc sang những nước lạc hậu. Ví dụ: Bangladesh đã cướp mối làm ăn ngành dệt từ tay Trung Quốc. Việt Nam càng là một sự lựa chọn nữa ngoài Trung Quốc. Ấn Độ nổi tiếng là “Văn phòng của thế giới”, ngành chế tạo của Ấn Độ bị mắc kẹt giữa cơ sở hạ tầng lạc hậu và trình độ giáo dục quốc dân quá thấp, dân số Ấn Độ và Bangladesh khá trẻ, sức lao động dồi dào, giá cả thấp, có ưu thế khá lớn. Nếu trong 15 năm mà chỉnh đốn được cơ sở hạ tầng và giáo dục nghĩa vụ, định ra chính sách thương mại hợp lý thì sẽ rất có khả năng trở thành “Công xưởng của thế giới”. Quanh vùng Biển Đông, Việt Nam đã có được đà phát triển kinh tế rất mạnh mẽ, nếu Indonesia và Philippines trong 15 năm tạo được môi trường kinh tế chính trị ổn định thì đều có khả năng trỗi dậy thành “Công xưởng của thế giới”.



Có thể nói, đến năm 2025, khu vực xung quanh Biển Đông và thậm chí cả vùng Nam Á mà tuyến đường từ Biển Đông đến Bắc Mỹ bắt buộc phải đi qua đây sẽ trở thành nguồn cung cấp sức lao động chủ yếu cho ngành chế tạo của thế giới. Hiện nay, kinh tế Mỹ vẫn nhanh chóng “cổ cồn hóa”, ngành chế tạo không ngừng được đưa ra bên ngoài, sự ỷ lại vào các cơ sở sản xuất và sản phẩm công nghiệp tại hải ngoại ngày càng nghiêm trọng. Lợi ích chiến lược của Mỹ chính là giành được sự hợp tác với các nước này. Cần phải biết rằng, ngành chế tạo, nhất là ngành chế tạo hàm lượng kỹ thuật thấp, không chỉ là ngành nghề cần nhiều lao động mà cũng là ngành nghề cần nhiều tài nguyên, có nhu cầu lớn về vận chuyển, đi lại. Khi Biển Đông biến thành “ao nhà” của “Công xưởng của thế giới”, sự tranh giành tài nguyên sẽ là chất xúc tác cho các xung đột tiềm tàng tại đây. Khi đó, một nước Mỹ đã qua điều chỉnh về kết cấu năng lượng, có thể sẽ giảm bớt sự ỷ lại vào dầu mỏ nhưng mức ỷ lại vào sản phẩm ngành chế tạo sẽ tăng cao. Một khi xung đột Biển Đông leo thang, nổ ra chiến tranh, sự cung cấp sản phẩm ngành chế tạo cho nước Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, Mỹ cảm nhận sâu sắc về trách nhiệm giữ gìn sự ổn định cho khu vực này.



Nói tóm lại, câu chuyện của 15 năm sau không chỉ với chủ đề “Sự trỗi dậy của Trung Quốc”. Sự trỗi dậy của các quốc gia xung quanh Biển Đông, sự chuyển dịch “Công xưởng của thế giới” đều sẽ nhào nặn lại một cục diện kinh tế thế giới mới. Mỹ không ngớt bày tỏ thái độ đối với vấn đề Biển Đông, luôn kiên trì 2 điểm: Một là tự do qua lại; hai là thương lượng nhiều bên, chủ yếu nhằm thu phục nhân tâm, đảm bảo cho sự thông suốt của tự do thương mại để nhằm giữ vững địa vị thống trị trong một cục diện mới.



Những sự thay đổi này tự nhiên hình thành lên sự thách thức mới đối với Trung Quốc. Biển Đông liên quan mật thiết tới tuyến đường dầu mỏ của Trung Quốc, là nơi có lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Ngoài ra, cùng một lúc, Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với mấy nước ở Biển Đông, do vậy dễ bị cô lập. Điều này đã tạo cơ hội cho Mỹ đánh bài “sức mạnh mềm”. Chỉ cần tạo dựng nên một sự kỳ vọng cho việc “để Mỹ nắm cán cân công lý” trong khu vực này thì đã tạo ra nền tảng cho việc khuếch trương sức ảnh hưởng của Mỹ trong tương lai. Đứng trước một bố cục chiến lược như vậy, Trung Quốc lại gây lộn ngay trước cửa nhà mình thì sẽ đương đầu với một ván cờ đầy gian nan. Đương nhiên, tranh chấp lãnh thổ với một nước cụ thể thì sẽ liên quan đến rất nhiều vấn đề mang tính kỹ thuật, người ngoài cuộc khó có thể đi sâu bàn bạc. Nhìn từ góc độ lịch sử, sự chuyển đổi về ý thức hệ của nền ngoại giao Trung Quốc vẫn chưa hoàn chỉnh nên điều này sẽ gây vướng víu rất nhiều cho Trung Quốc khi ứng phó với một cục diện như vậy.



Nền ngoại giao hiện đại của Trung Quốc vẫn xây dựng trên ký ức lịch sử của việc nếm đủ mùi lăng nhục của ngoại bang. Ví dụ, mỗi khi nhắc đến “tự do qua lại” thì chủ quyền của Trung Quốc như lại chịu sự uy hiếp. Đồng thời, là một nước khép kín, tụt lùi để phòng thủ nội lực, “tự do qua lại” trên vùng biển quốc tế cũng không có giá trị thực tế đối với Trung Quốc. Đối với một nước đã nhiều lần chịu sự uy hiếp về chia cắt, vấn đề “toàn vẹn lãnh thổ” tự nhiên sẽ trở thành ý thức hệ chủ đạo của nền ngoại giao. Thế nhưng, Trung Quốc ngày nay đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mối đe dọa bị chia cắt đã không còn. Đồng thời, nền kinh tế Trung Quốc là người thắng cuộc lớn nhất của toàn cầu hóa, từ năng lượng, nguyên liệu đến thị trường, tất cả đều dựa vào người khác. Vấn đề “tự do qua lại” trực tiếp đe dọa đến chủ quyền của Trung Quốc trong quá khứ, nay đã trở thành vấn đề lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Hay nói cách khác, hàm nghĩa về “lợi ích của Trung Quốc” đã khác trước. Ý thức hệ của nền ngoại giao cũng cần phải thay đổi để phục vụ cho “lợi ích mới của Trung Quốc”. Rốt cục, vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề Đài Loan, không phải vấn đề di sản của thời kỳ thuộc địa hoặc nửa thuộc địa, điều mà nó liên quan trực tiếp chính là chiến lược toàn cầu hóa của Trung Quốc trong tương lai. Ở đây, “tự do qua lại” e rằng lại là vấn đề mấu chốt hơn “toàn vẹn lãnh thổ”. Điều này không có nghĩa là đòi hỏi Trung Quốc phải vứt bỏ sự kỳ kèo, mặc cả về tranh chấp lãnh thổ. Trung Quốc thực sự cần một ý thức hệ mới, cởi mở hơn cho nền ngoại giao, để làm thế nào dành được ưu thế về đạo nghĩa trong bối cảnh phải đồng thời một lúc đối phó với mấy đối thủ, làm thế nào để phục vụ cho lợi ích của mình được tốt hơn./.

No comments:

Post a Comment