Tin Tức Cập Nhật

Sunday, October 10, 2010

Vấn Đề Biển Đông

ASEAN trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc
Thứ sáu, 08 Tháng 10 2010 00:00



Ngày 27/9, trên tờ The Nation đăng bài viết của tác giả Kavi Chongkittavorn trên với nhan đề “Mỹ, Trung Quốc và ASEAN: Một tam giác chiến lược mới”. (US, China and Asean: A new strategic triangle).Trong bài viết này, tác giả đã bình luận về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ lần hai tại Niu Yoóc ngày 24/9 vừa qua; thái độ ứng xử của các bên về vấn đề Biển Đông; cách tiếp cận và tác động của việc Mỹ tăng cường can dự vào khu vực đối với mối quan hệ ba bên ASEAN – Mỹ - Trung Quốc; trở ngại trong quan hệ ASEAN – Trung Quốc và phương cách để hai bên có thể hợp tác tốt hơn trong việc đối phó với những thách thức chung. Sau đây là nội dung bài viết.


Đừng để điệu “Tết trung thu” - lễ hội trung thu ở Bắc Kinh - đánh lừa bạn. Trong suốt những ngày qua, các quan chức tại Triều Dương Môn – nơi có các văn phòng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - đã làm việc không ngừng để theo dõi mọi động thái về cử chỉ và lời nói trước, trong và sau Hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ tại Niu Yoóc ngày 24/9. Bắc Kinh muốn biết liệu các nhà lãnh đạo Mỹ và ASEAN có kéo bè kéo cánh chống lại mình hay không.


Bản Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp hôm thứ Sáu (24/9) giữa Tổng thống Obama và những người đồng cấp ASEAN phần nào mang tính toàn diện và tích cực, cho thấy thiện chí mạnh mẽ của hai bên, và không làm phật lòng bạn bè, đồng minh của họ. Tuyên bố chung có hai thông điệp rõ ràng.



Trước hết, từ nay trở đi, Mỹ và ASEAN là hai đối tác chiến lược của nhau về những nguyên tắc và các chính sách. Nỗ lực cộng tác này sẽ có phạm vi tác động rộng rãi đối với việc định hình bối cảnh chiến lược trong tương lai tại châu Á. Để hoàn thành mục tiêu này, một nhóm nhân vật kiệt xuất sẽ được thành lập nhằm chuẩn bị cho kế hoạch hành động 5 năm (2011 – 2015) vào cuối năm 2011 khi các nhà lãnh đạo Mỹ và ASEAN gặp lại nhau tại Inđônêxia.



Thứ hai, quan hệ đối tác ASEAN – Mỹ không nhằm vào Trung Quốc, mà là vì hòa bình, ổn định tại khu vực. Hội nghị đã tránh đề cập vấn đề tranh chấp tại Biển Đông cũng như quan điểm mà Mỹ đưa ra tại Hà Nội tháng 7/2010.



Bản dự thảo trước đó do Mỹ đề xuất đã nêu cụ thể vấn đề tranh chấp và cách thức giải quyết tranh chấp trên Biển Đông, cuối cùng đã không được nêu lên trước đề nghị của các nhà lãnh đạo ASEAN. Họ (các nhà lãnh đạo ASEAN) sẽ có được danh tiếng vì đã thể hiện sự chống đỡ dẻo dai và tình đoàn kết trong việc né tránh sức ép từ phía Mỹ.


Nội dung đó đã được thay thế bằng một tuyên bố chung hơn, theo đó tái khẳng định tầm quan trọng của tự do hàng hải, giao thương và những bộ luật quốc tế liên quan, bao gồm cả việc giải quyết hòa bình mọi tranh chấp.


Sau khi bản dự thảo tuyên bố chung bị rò rỉ trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Mỹ ngay trước cuộc gặp cấp cao, cỗ máy ngoại giao của Trung Quốc đã hoạt động tối đa. Bắc Kinh đã ra chỉ thị cho các cơ quan đại diện tại các nước ASEAN hối thúc quốc gia sở tại bác bỏ văn bản do Mỹ chuẩn bị, nếu không quan hệ giữa nước đó với Trung Quốc sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng. Đối với Trung Quốc, chỉ với việc nêu tên xung đột thôi cũng chẳng khác gì một nỗ lực quốc tế hóa vấn đề nhạy cảm này.


Ít nhất là vào thời điểm hiện tại, các nhà lãnh đạo ASEAN đã chứng tỏ sự khôn khéo trong việc nghiêm túc lưu tâm tới mối quan ngại của Trung Quốc, và Mỹ cũng như vậy. Suy cho cùng, Hội nghị đã thành công trong việc nêu sơ lược vấn đề Biển Đông và tầm quan trọng của quan hệ chiến lược ASEAN – Mỹ. Xét bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đang có những nỗ lực hâm nóng mối quan hệ dễ bị tổn thương do những vấn đề từ tiền tệ đến kinh tế, thì việc khăng khăng nhấn mạnh tranh chấp biển đảo chỉ làm phát sinh những tác động hủy hoại mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới này.


Trong suốt thời gian đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã có công đưa vấn đề Biển Đông ra thảo luận với những phương thức kín đáo và hiểu rằng bất cứ sự nhiệt tình hăng hái nào cũng có thể làm Trung Quốc khó chịu. Những quốc gia giữ chức Chủ tịch ASEAN trước, như Xinhgapo và Thái Lan – hai nước không có tuyên bố chủ quyền (trên Biển Đông) – đã né tránh đề cập vấn đề Biển Đông.


15 năm sau vụ đụng độ tại đảo Vành Khăn năm 1995, ASEAN và Trung Quốc đã khá thành công trong việc kiềm chế các xung đột (trên Biển Đông) trong phạm vi quan hệ song phương. Sau đó, chính xác là 64 ngày trước đây (tính từ thời điểm 29/9), Mỹ đã can dự vào cuộc tranh chấp thông qua bình luận về khía cạnh quốc tế của cuộc tranh chấp dai dẳng này. Dù đây không phải là mối quan tâm mới mẻ gì, song vấn đề là ở cách thức và thời gian đề cập mà Mỹ đã thể hiện.



Với việc xác định sự ủng hộ đối với Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại Biển Đông (2002) giữa ASEAN và Trung Quốc, Oasinhtơn quả thực là đã vẫy cờ đỏ quốc tế - nhưng lại không đề cập đến những tranh chấp hiện tại giữa Trung Quốc với Nhật Bản và Hàn Quốc.


Quyết định kép của Oasinhtơn về việc ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC) tháng 7/2009 và tham gia Hội nghị cấp cao Đông Á mới đây đã nâng quan hệ chiến lược với ASEAN ngang tầm, nếu như không nói là cao hơn sự ưu tiên quan hệ lâu nay của Mỹ với Trung Quốc. Bất chấp quan hệ thân mật, giữa ASEAN và Trung Quốc hiện nay vẫn tồn tại một khoảng đen – không có một tiến triển nào được đưa ra trong tiến trình cùng hợp tác liên quan đến Biển Đông.



Cứ xét theo sự trình diễn của các nhà lãnh đạo ASEAN, thì họ nghĩ là họ có những gì đang diễn ra nhằm mời gọi các nước lớn chủ chốt tham gia cuộc chơi chính trị thực sự ngay tại sân sau của mình. Trong bốn thập niên qua, ASEAN đã cảm thấy hài lòng với vai trò là điểm tựa để những nước lớn chủ chốt tham vấn lẫn nhau và xây dựng lòng tin. Các cường quốc chú ý đến ASEAN bởi vì ASEAN là một thực thể không đe dọa và gây tổn thương cho bên nào. Giờ đây, với làn sóng thay đổi đang chuyển dịch về Đông Á, ASEAN muốn nâng cao vai trò của mình và trở thành một bên tham gia.


Trong bối cảnh các cường quốc đều đã can dự trong khuôn khổ cấu trúc và môi trường văn hóa chính trị ASEAN, các câu hỏi được đặt ra là: Liệu ASEAN có thể đồng thời xử lý quan hệ với tất cả các bên? ASEAN là một bên tham gia chủ chốt hay chỉ đứng ngoài cuộc? Liệu sự hợp tác và cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ làm tổn hại sự đoàn kết của ASEAN? Làm thế nào để ASEAN thoát khỏi thế trở thành một công cụ của Mỹ hoặc Trung Quốc?


Với việc ASEAN, Trung Quốc và Mỹ cùng can dự vào mối quan hệ tay ba, thì thật khó để nhận định về điều gì sẽ xảy ra. Chẳng hạn, nếu ASEAN và Trung Quốc tiếp tục không thể vượt qua những khác biệt về phương hướng hành xử tại vùng biển tranh chấp trong tương lai gần mà mỗi bên đưa ra, điều đó sẽ được qui là do nhân tố Mỹ. Và như vậy, sẽ càng làm cho lập trường của ASEAN và Trung Quốc thêm phần cứng rắn. Bắc Kinh đã tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông là không thể bàn cãi, cũng như đối với Đài Loan, là một lợi ích quốc gia cốt lõi.


Xét về nhiều mặt, kết quả của Hội nghị cấp cao ASEAN – Mỹ tại Niu Yoóc giờ đây có thể mang lại một cú hích đang rất được mong đợi để Trung Quốc và ASEAN hợp tác chặt chẽ với nhau nhằm phá thế bế tắc và đạt được những tiến triển trên mặt trận này.


Hai bên phải nhân nhượng và nhất trí về ngôn từ được tất cả các bên chấp nhận, để từ đó những đường hướng hành xử có thể được xúc tiến. Thực vậy, cả hai bên sẽ phải chứng minh hiệu lực thực thi trong việc cùng nhau ngăn chặn, kiềm chế và giải quyết những thách thức chung trong khu vực.


Nguồn: The Nation; TTXVN

No comments:

Post a Comment